Kỳ 1: CHUYỆN THƯỜNG NGÀY Ở TÙ

Sáng nào cũng vậy, 5 giờ kém 15 phút,lũ tù thường phạm và chính trị chúng tôi phải trở dạy, gấp chăn màn, gối lên khu để đồ đạc, nơi sát trần rồi mắt nhắm măt mở,ngáp ngắn ngáp dài chờ cán bộ quản giáo vào điểm.Trời sớm đến nỗi trăng vẫn còn treo giữa đỉnh trời,vạn vật còn ngái ngủ, từ khăn mặt đến bàn chải đánh răng đều giống chủ, đang còn uể oải nuối tiếc giấc mơ của mình sau một đêm ngắn ngủi.


Cả thẩy 61 người thì 50 người có thói quen “bỏ của chạy lấy người” từ sáng sớm, vì thế hố xí hai ngăn do đảng sáng lập, do trại dập khuôn, luôn trở nên quá tải. Tất cả đều phải ôm bụng, ôm quần chờ sự giải thoát chóng đến với mình. Trong ngó ra, ngoài ngó vào, những câu hỏi muôn thưở vang lên như một điệp khúc:

- Xong chưa, sao lâu thế ?
- Cứ chờ đấy, còn xơi nhớ!
- Lại vừa ị,  vừa xơi hay sao mà chậm khủng khiếp
- Đ. Mẹ  mày, nếu bốc cứt lên mà ăn vã được thì lũ cẩu chúng mày đã sực hết rồi, chả còn đến lượt bà mày đâu, nhớ. Tử tế thì bố mày cắt cứt đứng lên cho mà đi, nếu không cứ chịu khó mà ngồi chờ đấy con ạ
- Tiên sư cha nhà mày, nếu còn ngồi được thì bố mày đã chẳng phải lên tiếng. Đến đứng ôm quần mà chờ cũng không nổi đây này. Nhanh lên, không bố mày thải ra đây bây giờ. Đồ chết dấp, thối thây, ăn cho lắm vào rồi ngồi ì ra đấy báo hại cả buồng.
- Mả mẹ mày, cơm tù thì có chó gì mà ăn, chẳng qua bố mày bị táo bón vì thiếu rau xanh nên mới phải ngồi đây, mày tưởng bố mày sướng lắm à?

Ngày nào cũng vậy, đôi co, cãi cọ, lý sự... bằng những ngôn từ cục cằn nhất mà bọn tù án ngắn, án dài có thể nghĩ ra được. Thời gian đầu tôi sợ rúm tứ túc lại vì những lời nói tục, chửi bậy, tư duy bản năng của họ. Đã từng tiếp xúc với cả trăm nghìn người dân oan, hay đầu gấu, băng đảng xã hội đen. Trong số họ, không thiếu gì những kẻ có đầu, có đuôi mà thiếu khúc giữa (đầu trộm, đuôi cướp) nhưng chỉ là thoáng qua, ấn tượng tuy nặng nề, nhưng không đến mức bị đầu độc, ám ảnh nghiêm trọng đến mức này, mỗi ngày 24/24 tiếng đồng hồ. Ngay cả giấc ngủ cũng không được yên vì chỗ ngủ qúa chật chội, trong khi quy định của  cục V26 là 60 cm (3 gang tay một người) thì ngay cả cái quy định vô cùng bất nhân, bất nghĩa này cũng không đủ, vì số lượng tù qúa lớn. Ngày nào cũng có người mãn hạn tù, ra khỏi khu vực  trại giam, song đầu vào luôn lớn hơn đầu ra. Thôi thì tù Thanh Hóa, tù Hải Phòng, tù Hà Nội, tù Quảng Ninh lũ lượt đổ về. Vài ba ngày một lượt  cán bộ phải  “đón tiếp” tù vào bằng cách khám xét quần áo, thân thể, bố trí vào phòng tạm để học nội quy nửa tháng, sau đó mới phân về các đội. Cứ có tiền thì được vào đội nhàn, đội tốt( như đội may, đội thêu, đội dệt chiếu, đội làm vàng  mã). Mưa không tới mặt, nắng chẳng tới đầu, chỉ cắm đầu cắm cổ ngoài  xưởng chạy theo mức khoán quy định. Còn không tiền thì  rơi tự do vào đội đồng, đội ruộng, đội chăn nuôi trong khu vực nông nghiệp. Dù ngày mưa, ngày nắng hay bão chết cò cũng phải dầm thân. Có sụt sịt, cảm cúm hay ốm đau cũng không được nghỉ vì đã được cán bộ y tế khám xét cho uống thuốc rồi, cố tình nghỉ sẽ được vào phòng kỷ luật “dưỡng bệnh”. Ăn đói, nhịn khát, không vệ sinh tắm rửa ( cả ngày chỉ được sử dụng một chai lavi bé tí xíu, nếu uống thì đành phải bỏ quên “em bé” còn nếu muốn “em bé” sạch sẽ, thơm tho, không tiết chất nhờn, mùi hôi, gây viêm nhiễm thì nhịn uống. Ngay cả việc tiểu tiện, vệ sinh cũng không có nước mà dội, cứ bậy ra lúc nào thì phải tự ngửi lúc đó, cho đến khi hết một tuần. Nhiều trường hợp vừa được dắt ra khỏi buồng kỷ luật lại lập tức bị quay trở lại chỉ vì thiếu “lễ tiết” với cán bộ:

- Ông bà cho cháu ăn thì phải cho nước để cháu dội vệ sinh  chứ, làm cái thằng quản tù chứ cái đéo gì mà ác thế?

Đúng là “giở mặt” như tù.

Bị đập lệnh thứ hai vào mặt, đa số ra khỏi phòng kỷ luật phải có người dìu, vì mỗi ngày hai bữa, mỗi bữa chỉ được một bát cơm con, không thức ăn. Ngủ càng không được vì muỗi như trấu, chả cứ ban đêm mà ban ngày cũng lượn lờ kêu u u trước mặt, đập mỏi tay, cứ mỗi lần xòe bàn tay ra là be bét máu. Lệnh đầu còn tỉnh táo, tĩnh trí mà đập, từ lệnh thứ hai trở đi, đành làm mồi cho bọn muỗi đói, không đủ sức để giơ tay lên nữa. Đến khi hết lệnh, tù tự giác vào đón ra, hoa mắt chóng mặt không kéo nổi quần lên*, mặc tù tự giác muốn vần, muốn xoay, muốn khênh, muốn cõng thế nào cũng được. Thế là từ ốm vờ, “chống đối, không chịu lao động” thành ốm thật, ốm vĩnh viễn luôn

Nhiều trường hợp khỏe hơn, không phải “tạt ngang” vào khu vực trạm xá, nhưng nước da tái nhợt, xanh lét, vì thiếu ăn, thiếu khí, người bẩn thỉu, ghét bờ ghét bụi, đi cách xa cả mét còn ngửi thấy mùi hôi. Quần áo mặc trên người bẩn thỉu đã đành, nhưng khổ nhất với cánh chị em vẫn là quần áo lót. Từ màu hồng, màu vàng, màu trắng đã ngả sang màu cháo lòng hoặc đen xỉn, chỉ còn nước nhắm mắt vứt vào thùng rác để phi tang, chứ không thể nào sử dụng lại được nữa. Cho dù trong nhà tù cộng sản, quần áo lót cũng được coi là một món hàng sa xỉ, mỗi năm chỉ được phát hai chiếc loại rẻ tiền, chóng rách nhất, nên không thể tự tiện mà vứt dễ dàng như thế được.

“Bỏ của chạy lấy người” xong, tất cả lại nháo nhào ra khu vực giếng công cộng để rửa mặt, đánh răng... Có lẽ vào tù cộng sản hai khái niệm đầu  tiên cần phải quên đó là công bằng và sạch sẽ. Ngoài đời có tiền sẽ kê được chỗ đứng cho mình, trong tù tiền càng quan trọng hơn. Tuy không thành “ông nọ bà kia” song  cũng thoát  khỏi  cảnh “con nọ thằng kia”, được lòng quản giáo, đỡ bị hành, lại không phải “hạ” mình trong mắt bọn tù.

Ở tù muốn có tiền thì chỉ còn nước duy nhất là đánh bạc và... trông vào gia đình. Bình thường ăn cơm muối cả tháng cũng được nhưng hễ gia đình lên là phải rải tiền khắp lượt, từ người đưa đi gặp để tranh thủ được nhiều thời gian hơn, để còn hỏi thăm chuyện tình cảm con cái, ông bà, chuyện làm ăn sinh sống bên ngoài, sau đó là để cán bộ lờ đi, không bắt bẻ phải nhận quà theo quy định (5-7 kg/ một người), khi qua cổng lại phải hối lộ cán bộ trực cổng để “bà” khám xét qua loa, cho mang hàng qúa số lượng và hàng “vi phạm” vào, đặc biệt là tiền mặt, vì trại cấm tiêu tiền mặt( theo quy định của  cục V26) cũng là để mỗi lần qua cổng phủ, dù xuất  trại đi làm hay từ xưởng trở về, “ông” hay “bà” cũng bỏ qúa cho... dù chỉ là năm quả chanh, vài quả cà chua, tô canh, miếng thịt lợn mua ngoài dân, giá rẻ bằng nửa giá canteen của  trại  lại “ngon lành cành đào”. Sau nữa là đến bà “quản” bà đội, tức cán bộ quản giáo của đội mình, để “bà” xuê xoa về việc đóng sản phẩm hàng tháng. Có thể được nợ lại tháng sau, có thể bỏ qua một vài lỗi kỹ thuật, và điều quan trọng nhất là sau mỗi kỳ bình bầu xếp loại đạo đức vẫn giữ  nguyên loại tốt hoặc khá để mỗi năm hai đợt 30-4, 2-9 còn được đưa vào xét giảm 3 tháng, 6 tháng (án ngắn ) hoặc một năm, hai năm (án dài)... Vì vậy việc mua cán bộ đã thành luật bất thành văn trong các trại tù, không khác được

Ngay ngày đầu tiên tôi vào trại,  Hà Cổ Nhuế đi gặp gia đình về đã nhăn nhó nói với tôi:

- Chị Thủy ạ, bố em đem vào 7 triệu mà em chỉ giữ cho mình được hai triệu để tiêu vặt trong mấy tháng
- Ơ tôi làm bộ ngạc nhiên: Thế 5 triệu kia đi đâu?
Hà cúi đầu  nói nhỏ vào tai tôi:
- Phải làm luật chị hiểu không, em chạy từ đội ruộng về đội thêu đã mất tiêu hai triệu rồi, cứ mỗi cửa 500 nghìn, còn lại 3 triệu bố em biếu các thầy, sau này còn có cửa để lo lót đầu ra, Chỉ cần thêm dăm bảy triệu thì ít nhất nó cũng xuống khung cho mình 3 tháng

Thấy tôi cứ ngây ra như kẻ mắc bệnh trì độn, ngơ ngẩn... Không muốn để tôi phải lăn tăn lâu, Hà hạ giọng, ra vẻ quan trọng:

- Chị không phải tù cùng đinh như bọn em, chị không hiểu đâu, đảm bảo cả mấy năm chị ở đây, mả bố thằng nào, con nào dám ăn của chị một xu, nhưng bọn em khác, và Hà hạ giọng, kết luận  một câu xanh rờn:
- Ở tù nước mình nó thế, nhục lắm chị à.
Cũng vì đã thành luật ngầm rồi, nên bất kỳ ai cũng không qua được cửa ải ấy, một chị ở Nha Trang mà tôi quen và ngấm ngầm giúp đỡ, kể lại với tôi:
- Tội lắm em ạ, con chị nó đi từ trong Sài Gòn ra, đem được cho mẹ vài thứ đồ lặt vặt mua ở canteen, chị mới hỏi nó: - Ơ sao con không cho mẹ tiền mặt à?

Nó ngớ ngẩn hỏi lại:

- Mẹ ơi ở tù thì mọi thứ trại phát, mẹ còn tiêu tiền mặt làm gì, ai cho mẹ tiêu?
Chị dở khóc dở cười bảo nó:
- Con ơi, mẹ ở trại  này mấy tháng nay rồi, mẹ phải biết  hơn con chứ
Thế là nó móc túi nọ túi kia tất tật được 350 nghìn đưa cho mẹ,còn nó thì phải thuê xe ôm về Hà Nội gặp người quen mới vay được tiền trả, chứ đi xe khách của nhà nước thì ai bán vé cho mà lên nếu không có tiền. Khổ thế đấy em ạ

Biết rõ luật rừng trong trại, tôi hỏi:

- Nếu như thế thì  hiện chị còn bao nhiêu, có đủ tiền trả nợ không?
Chị rơm rớm nước mắt:
-Chỉ trả được 50 nghìn thôi em à, còn phải đưa cho các bà hết rồi, người năm chục, người một trăm

Thật là chó cắn áo rách, tôi gầm lên trong óc, cổ họng réo sôi một nỗi bực tức mơ hồ
Chả là trong thời gian ở cùng phòng với chị trước khi tách đội, tôi biết rất rõ gia cảnh chị. Từng là công an của chế độ mới sau 1975, chỉ vì bán bến, bán bãi cho người vượt biên lấy mấy chỉ vàng chia nhau mà chị bị “khật”, rồi vợ chồng bỏ nhau, cuộc đời chị cứ như chiếc xe bị tuột dốc, càng ngày càng lún sâu vào vũng bùn tội lỗi. Chị bắt đầu sa vào con đường buôn bán ma túy. Lần đầu bị án 2 năm, lần sau án 9 năm, đi tù 6 năm  thì được thả, không có tiền tìm về Nha Trang thăm con, thắp hương tạ lỗi với mẹ, chị đành nhắm mắt làm liều bằng cách ở lại Hà Nội giúp bạn chuyển mối hàng cho các con nghiện, mỗi ngày được trả một triệu. Chị dự định làm đúng 20 ngày lấy 20 triệu đủ tiền mua vé và chi phí dọc đường sẽ ngừng luôn. Đến ngày thứ 19 thì chị bị bắt, tổng cộng chị ra tù chưa đầy một tháng trời đã bị bắt trở lại. Lại hai bàn tay trắng xây nên đời tù. Để tồn tại trong bối cảnh thiếu ăn, thiếu mặc, đầy cực nhọc, khó khăn chị phải múc và gánh nước thuê cho bạn tù, mỗi ngày mỗi người trả chị 1.000 đồng, không trưa nào chị được nghỉ, cứ quần quật từ 5 giờ sáng tới tối thui, cũng chỉ được mỗi tháng 90.000 bằng 2/3 thùng mì tôm(30 gói) bán ở trại
Vì mức khoán qúa cao, không thể làm 8 tiếng ngoài xưởng được, chị phải đem bạc về trại tranh thủ đêm đến san ra trước, không ngờ bị cán bộ tịch thu khi khám xét, và bà đội thì bắt đền, cực chẳng đã chị tìm đến tôi, kể lể, nài xin. Không có tiền mặt,  tôi bèn cho chị một thùng mì để bán đi, lấy ra 100.000 trả cho bà, bù vào hai chi* bạc đã mất
Bây giờ con chị lặn lội tìm vào. Cùng cảnh nhà nghèo, bố mẹ bỏ nhau, ở với bà ngoại, khi bà ngoại mất thì tự lo liệu kiếm sống bằng cách làm thuê làm mướn, nuôi thân cũng không đủ, huống hồ phải nuôi mẹ trong tù? Vì vậy nửa năm một lần ra thăm nuôi mẹ là mừng rồi, mọi sự trong trại chị phải lo hết. Mà ở trại cộng sản thì biết bao nhiêu thứ phải lo, nào tiền ăn uống hàng ngày( Nếu triền miên cơm trại thì chỉ có nước suy dinh dưỡng mà chết thôi), lại còn phải mua cán bộ, đóng góp bao nhiêu thứ theo kiểu “Trại và phạm nhân cùng làm”, từ việc quét vôi lại các bức tường đầu năm đón tết, đón các phái đoàn kiểm tra, cũng do tù phải bỏ tiền ra mua vôi thuê đội xây dựng quét, đến việc xây tường bao xung quanh lòng giếng lấy chỗ tắm giặt, tiền mua quạt để trại  lắp trong buồng, tiền thuê người dọn vệ sinh trong 5 ngày nghỉ tết v.v trăm thứ tiền không khác gì ở ngoài xã hội, tất cả chỉ trông vào sức vóc chị, vì thế chỉ vài tháng sau khi quay lại trại, chị gầy đen như quỷ đói, nợ nần ngập đầy thân.
II. Ngoài hai trường hợp cụ thể trên, còn vô thiên lủng những trường hợp dở mếu dở cười khác . Oanh- vốn ở Khâm Thiên gần nhà tôi, ngay khi tôi vừa đến trại, ra mắt hội đồng hương Hà Nội, Oanh đã ngấm ngầm gửi Phạm Thanh Nghiên cho tôi 35.000 đồng tiền mặt để chi tiêu trong những ngày đầu chưa gặp gia đình . Chỉ vì muốn  giảm 9 tháng trong đợt xét giảm ngày 2/9 tới mà Oanh phải mất toi 10 triệu. Cò kè bớt một thêm hai mãi, số tiền của  Oanh vẫn không được cán bộ xét duyệt, kết quả lần giảm ấy tên Oanh bị bỏ qua vì cơ số đạn bắn chưa đủ(!). Phải nói Oanh đã tức tối lồng lộn lên như thế nào, khi tiền mất hận mang, mình thì... bị bỏ vào khám(khu kỷ luật). Chắc chắn có thêm 8 hay 10 triệu nữa, Oanh sẽ ung dung lọt qua cổng trại mà về với chồng con trước 9 tháng. Chỉ vì vốn ngắn, án dài nên Oanh đành phải chết câm chết lặng, mòn mỏi thêm 9 tháng trong tù.
Nguyễn thị Hằng còn gọi là Hằng Phát Lộc ( nhà ở ngõ Phát Lộc) quận  Hoàn Kiếm Hà Nội, lại hoàn toàn ngược lại, chồng cũ của  Hằng vốn là công an, nên tuy bị bắt về tội buôn bán ma túy trái phép, thay vì tù chung thân hoặc “dựa cột”, thì Hằng... dựa vào vai chồng cũ để làm luật còn 11 năm. Đi được hơn ½ thời gian, Hằng lại tìm cách nhắn qua ông bà quản giáo tới tai chồng cố gắng lo cho Hằng giảm 18 tháng, để còn kịp đi chợ trước ngày ông công, ông Táo chầu trời. Vốn biết rõ sức mạnh của đồng tiền cũng là quen đường ngang ngõ tắt trong cái gọi là luật pháp của nhà nước Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nên thay vì chồng số tiền 30 triệu như Hằng dặn, anh chồng cũ thương vợ hào phóng cho thêm hẳn 10 triệu để trọn đường lo lót. Kết quả trong đợt xét giảm của trại, Hằng là một trong số ít người may mắn được lọt vào tốp quán  quân, giảm liền 24 tháng. Cho nên thay vì ngày 23/12 (âm) mới về thì giữa mùa hè đỏ lửa tràn ngập tiếng  ve ngân Hằng đã khăn áo gió đưa ra khỏi trại  trở về Hà Nội trên chiếc xe của công an phường do đích thân chồng cũ của  Hằng lái...
Trong số hơn 20 đội của trại,  từ làm bạc, làm chiếu, chăn nuôi, trồng trọt v v. thì đội vệ sinh cơ quan là “mát mặt” hơn cả. Thực chất của đội này  là giúp việc cho cán bộ, tất cả các giám thị từ cấp tá trở lên là có tù chăm lo mọi việc, từ  ăn uống, quần áo, tắm giặt, tiếp khách v.v. Cứ  6 giờ sáng các “cháu” đã phải xuất trại ra giúp việc cán bộ, cho đến 8 giờ tối mới được về trại  ngủ. Trưa nghỉ lại nơi làm việc, luôn gần “sếp” nên cũng “mát mặt”, mọi nhu cầu về điện thoại, thuốc thang, quà bánh, tiền nong đều được đáp ứng đầy  đủ. Bình  thường một tháng một lần những phạm nhân xếp loại cải tạo từ khá trở lên mới được gọi điện thoại về nhà. Tù đông, thời gian giám sát ít, nên xếp hàng chán chê mê mỏi, từ chủ nhật tuần này sang chủ nhật tuần sau  mới đến lượt, đã thế mỗi người chỉ được gọi trong vòng 2,3 phút( có quản giáo ngồi kèm để kiểm soát nội dung cũng như ấn định cuộc gọi). Mỗi cuộc mất 20.000 đồng. Riêng cánh giúp việc cho cán bộ thì gọi xả láng, ngay trong phòng làm việc của sếp. Ngày nào “buôn dưa lê” cũng được, miễn là có đủ tiền để đấm mõm cho thủ trưởng trong những dịp lễ lạt đặc biệt
Trong khi cánh chị em bị cấm không được tha lôi bất cứ quả cây gì vào trong trại, từ mẩu sắn, miếng dứa ( sợ bị say, bị rắn độc ăn phải  gây chết người như trước đó đã từng xảy ra) đến điếu thuốc, cái kẹo v.v thì tù lọai VIP này được quyền tha lôi đủ thứ, cả con ngan, chân giò, bún, phở  vào trại  để liên hoan vào thứ 7, chủ nhật v.v, nghĩa là ở ngoài xã hội có gì thì cánh tù này có nấy. Tất nhiên đám tù này phải bộn tiền, thường là dân tham ô, tham nhũng, có dính líu đến kinh tế  hoặc dân buôn bán ma túy có bạc tỉ để nuôi thân, kê chỗ đứng trong tù từ 12-15 năm (trong mức án 20 năm hoặc chung thân) trong đám này điển hình phải kể đến chị Nguyễn Thu Hằng- vụ Thủy cung Thăng Long, Lã thị Kim Oanh (khoắng sạch 151 tỷ của  các ngân hàng từ nông nghiệp và phát triển nông thôn, ngân hàng quân đội, vietcom. bank v.v), hay Lan tỉ (người vay tiền tỉ của ngân hàng để đầu tư nhưng không có khả năng giả nợ ) v.v những người này tuy phải bóc lịch trong tù nhưng vẫn là cỡ đại gia của  tù...
Cãi cọ chí chóe trong nhà mét chưa đủ, ào ra giếng múc nước rửa mặt lại cãi cọ tiếp. Suốt ngày tai tôi cứ vang lên đủ mọi tiếng chát chúa ù tai, lộng óc:
- Đ.mẹ con nào, thằng nào trút mất xô nước của bà rồi? Tối qua trước giờ điểm buồng bà vội quắn đít lên vẫn nghiến răng nghiến lợi kéo cho được thùng nước sâu hun hút để sáng nay có cái rửa mặt. Vậy mà bố mày vừa ở trong nhà mét ra, đã cạn tận đáy rồi? Mả bố nhà chúng mày chứ, từ xưa đến nay bố chúng mày ăn mặn hay sao mà đến đời này chúng mày khát nước hở? Đ.mẹ chúng mày! Có khát vào nhà mét múc nước dội vệ sinh lên mà uống nhớ, đừng có ăn trộm của bố mày như vậy... Bố mày mà có thời gian bỏ công ngồi rình bắt được thì bố mày đấm cho hộc máu mồm ra, nhét cứt đầy  miệng nhớ, mả bố chúng mày...
Bao giờ cũng vậy, cứ chạm vào những tiếng mạt sát chửi bới, nguyền rủa nhau của lũ bạn tù là tôi lập tức chúi vào hàng cau trước cửa, nơi có 11 gốc cau chạy dài sát tường, phía dưới là thảm cỏ xanh mềm như nhung, xung quanh là hàng hoa tóc tiên mềm mại nở những bông hoa bé xíu tươi tắn với cái tên kỳ dị là “hoa báo bão”( vì hễ hoa nở là y như rằng bão đến). Đó là tất cả công việc của tôi khi chuyển khỏi xưởng bạc và đội trồng rau sang đây. Giữa cuộc sống xô bồ, nhộn nhạo và triền miên bế tắc, tôi chỉ còn một cách duy nhất là lấy lại sự thăng bằng từ cỏ cây hoa lá. Để mặc mọi lơì chì chiết trong buồng, ngoài giếng, khu lều phía sau, tôi ngồi bình thản tưới hoa, ngắt lá sâu già, nhổ các cọng cỏ dại khác loại... Hết việc lại ngồi ngẩn ra ngắm từng bông hoa cau mới nở bé xíu như chiếc cúc áo màu trắng, phía dưới là màu xanh mướt mát như một tạo vật kỳ diệu của thiên nhiên... Hết ngày này sang ngày khác, từ sáng đến chiều, tôi ngắm hoa, ngắm lá, lắng nghe hơi thở của  tự nhiên và để hương thơm từ mỗi cánh hoa lan tỏa vào tâm hồn mình. Cho dù cỏ cây hoa lá không đưa tôi vào cõi mộng được thì chí ít cũng giúp tôi ra khỏi cảm giác ngột ngạt, khó chịu, tâm hồn được giải tỏa, tiềm thức  trở nên thanh thản theo sự bung nở tận lực của mỗi cánh hoa nở hết đường biên và sự cần mẫn kỳ ảo của cả bầy ong đi hút mật phía trên (nơi ngọn cau) và phía dưới (nơi hoa tóc tiên bừng nở  những bông hoa màu hồng hệt như những ngôi sao vừa từ bóng đêm trên bầu trời  lạc xuống). Cứ thế tôi chìm đắm miên man theo những suy nghĩ vô định về cây, về hoa cùng các hiện tượng thiên nhiên, cho đến khi cả nghìn con người xuất khỏi trại. Cả dãy nhà vắng lặng, chỉ còn tôi– với nhiệm vụ chăm sóc cau và hai chị trực buồng ở lại lo cơm nước cho cả phòng, mới lẳng lặng vào lục đồ ăn sáng, đọc báo do gia đình gửi vào, rồi xuống canteen mua rau về nhặt, rửa, chuẩn bị cho bữa trưa. Ngoài  xuất cơm hẩm của trại ra tôi không động đến bất cứ một thứ gì khác vì thịt lợn trại nuôi theo kiểu siêu mỡ, chỉ cánh chị em tù đói ăn hoặc bụng dạ tốt mới sài được theo tiêu chuẩn một tuần 3 bữa. Còn cá, bé bằng hai ngón tay, tanh ngòm, dân trong trại toàn gọi là “cá chưa mở mắt”, “cá giống” hoặc “cá chưa kịp làm giấy khai sinh”. Mỗi tuần một lần được một bữa ăn tươi như vậy,  chỉ cần nhìn đã thấy trắng ởn, tanh xóc óc, còn  khổ hơn cả thời bao cấp vì tuy là cá mè ranh, nhưng qua chế biến đủ lửa, nêm đường, gừng, hạt tiêu, trông còn bắt mắt,  thơm tho. Còn ở tù, sống sít mặc bay, miễn là đủ bữa... Rau cũng vậy, cả trại có tới 3,4 đội trồng rau nhưng rau non thì để giành riêng cho cán bộ, rau già mới đến lượt tù xơi. Mỗi ngày xe bò lớn, xe bò nhỏ chở cả đống dây rau muống vào trại, ấp vào một xó, đến bữa mới lôi ra, vứt vào bể nước, tháo nước vào đầy bể  rồi dùng đòn gánh chọc chọc nguấy nguấy vài ba lượt vớt ra, thả vào chảo nước, khoắng khoắng vài lần, chờ sôi là bắc xuống. Vì thế khi chia đều vào các xoong cho các buồng, còn nguyên cả rác, lá vàng, lá sâu, thậm chí các loại côn trùng như giun dế, cuốn chiếu còn nằm nguyên trong đó... Nước đục ngầu đến mức tôi không dám gắp, dù cổ họng khát khô, cần nước uống cũng phải nhắm mắt đổ đi...
Sau 5 tiếng cải tạo ngoài xưởng, 11 giờ 30, các đội lại lục tục trở về, lại những tiếng chửi rủa cạnh khóe, điên l. ( thay vì ở ngoài đời vẫn nói là điên đầu ) hàng trăm con người chen chúc cúi đầu tranh giành nhau từng cen ti met trên thành giếng bé tí, đường kính không nổi 1 mét để múc nước lên rửa mặt, gội đầu, thay giăt... cứ tay nọ chạm tay kia, xô chậu va nhau tung toé, cho đến 1 giờ 30 xuất trại. Thềm giếng bị nứt nên bao nhiêu chất thải trên mặt đất từ nước tiểu, nước giặt quần áo, xà phòng, nước rửa rau rồi nước đánh răng rửa mặt v.v đều bị thấm ngược vào lòng giếng, chưa kể khăn mặt rơi, gầu sắt, gầu nhựa, mắc áo xích sắt, khóa sắt( buộc vào gàu cho nặng để dễ chìm, dễ múc) lá rụng, bụi bẩn v,v... tất cả tích tụ trong lòng giếng từ năm này sang năm khác, bùn đọng hàng mét. Mỗi lần mưa gió, động trời là nước sủi bong bóng  trên bề mặt, đen ngòm, tanh tưởi
III.Chiều về, sau 4 tiếng vật lộn, chạy theo mức khoán cao tót vời: 250 bộ quần áo một ngày/một đội (50 người), 350 tờ bạc một ngày một người, (nhân thành 6 ô bạc con là 2100). 22 ô thêu một ngày, một người... Mệt lử, đói khát, ra đằng sau bê hòm tìm thức ăn thì hòm cũng chất cao như núi vì không có chỗ để. Tuy quy định mỗi người chỉ được sử dụng một hòm đựng chăn màn, quần áo, thức ăn, nhưng lều trại qúa chật nên 5,7 thùng phải chồng lên nhau, người ở trên bê xuống cũng thót bụng mà bê, người ở dưới còn phải nhấc lên nhấc xuống 5,7 lần mới đến lựơt mình. Lấy được tí thức ăn ra lại phải bê lại như cũ cũng tướt bơ. Chưa kể nạn trộm cắp trắng trợn, đồ dùng, quần áo, thức ăn vừa kịp bỏ ra, còn đang loay hoay đóng khóa hòm rồi trả các thùng của mọi người nằm ở phía  trên mình về chỗ cũ, quay  đi quay lại, mệt lử người, mà vừa thoát ra khỏi đống thùng hòm trong dãy lều trại  đã chẳng  thấy mấy thứ mình vừa bỏ ra ở đâu? Thế là cất mồm chửi, chửi  từ mờ tối tới  khuya, từ khuya tới sáng. Trừ khi đi ngủ, đi cải tạo ra, còn lại cứ hễ về đến  buồng, nhớ ra lại chửi. Một mất mười ngờ, chửi rủa, cạnh khóe hết người nọ người kia, loạn từ đấy  mà ra.
Có lẽ trong trại tôi là người bị mất nhiều nhất, phần vì được gia đình quan tâm chu đáo, phần vì đuểnh đoảng, để đâu quên đấy, thậm chí không nghĩ  mọi sự lại kinh kiếp đến mức ấy... Chiếc nón đội trên đầu vừa kịp mua 60,000 một chiếc, chỉ quanh quẩn ra giếng, xuống canteen, hoặc ngồi chơi nơi bờ tường cạnh hội trường, để ngay dưới chân, quay đi quay lại đã mất, dù cái tên Trần Khải Thanh Thủy dài thoằng, to tướng, tưởng nó có muốn  lấy, nhưng còn cái tên đặc biệt như thế thì giấu đi đâu được? Vậy mà mất vẫn hoàn mất, năm lần bảy lượt như vậy. Tên thì  chúng  nó dùng bút xóa xóá đi, viết lại tên khác vào, quai nón thì thay bằng quai khác rồi đem ra ngoài đội, hoặc xưởng mới dùng, chẳng ai biết đấy là đâu, cũng chẳng  ai biết đâu mà lần... Bút xóa tôi để trong túi áo trại, treo ngay trên thành cửa sổ, chỉ ngồi thụp xuống xem bạn tù đan quạt mà chưa đầy 5 phút đã không cánh mà bay. Xà phòng thơm, nước mắm, mì chính, thức ăn để trong xô nhựa có đậy nắp đàng hoàng, cất kỹ trong lều chung của trại mà tờ mờ sáng hôm sau mở xô ra, tất cả đã bốc bay như có phép lạ... Quần áo, bít tất phơi ở dây  mà không ghi tên, đánh dấu cũng bốc bay mất tăm mất dạng... 21 tháng trời,  tôi  không biết mình mất bao nhiêu  bi tất, xà phòng, bánh trái vì nạn trộm cắp trong trại nữa ?
Tắm giữa giếng sâu hun hút, hàng nghìn người  tồng ngồng chen chúc bên nhau nơi bờ giếng  múc nước tắm… Những bộ ngực đen đủi, lép kẹp, chảy dài thõng thượt như những túi đựng bùn nhão nhoẹt phơi ra giữa thanh thiên bạch nhật, cũng là phơi ra trước mắt bạn tù. Tất cả như một cái trại nuôi súc vật khổng lồ, ồn ào, chen lấn, mắng chửi nhau trong một khoảng thời gian và không gian vô cùng chật chội, eo hẹp, để còn kịp giờ điểm buồng, nhốt phạm…
Thời gian đầu tôi xấu hổ không sao dám hòa mình vào đội quân ô hợp khổng lồ ấy, cứ chúi vào sau cánh cửa buồng,trong nhà met để tắm, mặc mọi người đi qua đi lại, “bỏ của” thối um cho mình ngửi, rồi bị bạn tù mắng sa sả vì tội xấu hổ không phải lối, tôi đành phải trưng ra giữa thanh thiên bạch nhật với câu châm ngôn bất hủ để làm quen, xã giao cũng là đỡ mặc cảm xấu hổ:
-Ôi dào, đấy đâu phải sự bày biện lăng nhăng
Tạo hóa chưa bao giờ  hùng hồn đến thế
Hoặc:
- Xin chào ! Bãi tắm tự nhiên xin chào các bạn!
Thôi thì đủ mọi thành phần lớn bé già trẻ, 18 đôi mươi hơ hớ xuân thì phồn thực cũng có mà 75,80 gần đất  xa trời cũng có. Từ vú mướp, vú bánh dày, vú cau vú dừa... tất tật phơi ra, trưng ra dưới ánh nắng mặt trời,mặc các chú “choang” đứng gác trên bệ cao phải quay mặt đi, đầy  tiếc rẻ...
Buổi tối là thời điểm vui vẻ nhất của trại, ngồi bệt xuống đất rồi, không còn gì phải gìn giữ, nên cánh bạn tù thường rất  thích  hát những bài nhạc chế. Thay vì  nhạc đỏ phải nghe mãi rồi, bị đầu độc chán chê mê mỏi rồi, nên để thay đổi không khí môi trường tù túng trong tù, mỗi người từ ngày còn bị tạm giam ở Hỏa Lò hay Cầu Cao- Thanh Hóa, Trần  Phú- Hải Phòng, Hang Son- Quảng Ninh đều giữ cho mình một bộ sưu tập các bài hát về đời tù. Bản thân tôi là người thấy rõ cái hay, cái bổ ích, độc đáo của  thể loại ca tù này nên đã cất công chép lại không dưới 50 bài. Vậy mà ra đến cổng trại để bay sang đất Mỹ đã bị lũ công an đảng, thực chất là bọn “đâm thuê chém mướn” theo lệnh đảng tịch thu hết cả, giờ ngồi lại chỉ nhớ câu được câu chăng:
“ Khi biết em mang kiếp cầm cu,  đêm đêm phòng mờ, dâng thân xác cho mọi người, bỏ tiền mua dâm thì hỏi anh ơi, còn yêu em nữa không ?
Đừng nói thế em ơi, xin đừng nói thế làm gì, anh biết rằng đời mình  anh  cũng  thế, cũng mua dâm  như em đã từng than...”
Góc này chưa dứt, góc kia đã cất lời, không phải để cho ai nghe mà  chủ yếu tự làm mềm lòng mình, sau một ngày cải tạo cật  lực:  
“Con nằm đây, bạn bè con cũng nằm đây, đói rách xác xơ thân gày cùng chung một kiếp tù đầy. Con nằm đây, ngày ngày cơm không đầy chén, chiều chiều trông theo đàn én, đớp mồi vỗ cánh bay đi
Toa dồn toa, tù vào không có tù ra, nối tiếp dắt tay ra tòa, cùng chung một kiếp xa nhà
Trăng mờ soi, trăng mờ trăng soi buồng tối, đường đời con đi lạc lối nên bị chúng  bắt vô đây
Dòng suối mắt, xót xa tình mẹ thương con, mẹ thương  con đọng đầy hai khóe mắt... ”
Bài hát này chưa kịp dứt thì góc phòng phía bên kia lại một giọng  lanh lảnh cất lên theo giọng  “cô gái vót chông”:
“Cô ơi cô lấy chồng đi cô, mai mốt đây nhà nước phân công, 3,4 cô phải lấy một chồng, đi ra phố mà tranh cướp nhau
Còn Khải, Triết, Thọ, Ba, cô phải nhanh tay lấy, không mai sau nghị định* rồi,  trai làng ta vào tù, vào trại giam...”
Không cần ai hưởng ứng, từ trên gác lại một giọng  ông ổng cất lên:
Gió bấc thổi bay mất quần của em, anh bắt được thì cho em xin, quần này của bà già, ống rộng một gang tay, chiều dài một mét mốt, dây rút bằng  thừng
-Ơ  đã có quần đùi, anh giữ lại làm chi anh ơi?
-Quần đùi thì quần đùi, giữ lại để làm tin, ngày về còn kiếm cớ, dấm dớ, nhập nhằng
-Ơ!  Xin hãy trả quần cho em, anh ơi, ngày về thì còn dài, lấy gì mà che thân, ngoài trời còn buốt gía,  gió bấc tràn về...”
Vài tiếng  cười hề hề phụ họa, đám bà già con trẻ như được tiếp thêm sức mạnh lại ông ổng hát:
Khi bố chồng  phải lòng con dâu
Sáng nay bố đến nhà con, chồng con thì đang đi vắng, tính  con thì hay yếu lòng, tang tình tang tính  tính  tang.
Ơ tang tình là tình tang tang...
Bố ơi, sao bố nhìn con, nhìn con mà không chớp mắt, khiến con một giây ngã lòng, thôi  rồi thôi thế là thôi
Ơi! ơi giời là giời,  giời ơi...
Bố ới, xin bố đừng sang, chồng con là hay ghen dữ, lỡ may mà con có bầu, con còn biết  nói làm sao ?
Hết chương trình “ca nhạc” tự tạo, cây nhà lá vườn là  lúc đồng hồ  điểm 9 giờ, giờ vàng chiếu phim hay,hot trên vô tuyến, tất cả lần lượt ngồi dạy để xem, số ít buồn  ngủ sớm thì kéo bễ từ lúc 8 giờ
Xem hết phim tàu lại phim Hàn, phim Việt Nam, đến 11 giờ thì phòng  nào phòng nấy tắt ti vi, đóng cầu dao miệng lên bệ nằm  thiếp đi đến sáng, kết thúc một ngày cải tạo dài dằng dặc nhưng yên ả. Nhiều buồng,nhiều đêm có người ốm phải đi cấp cứu là tất cả la như cháy đồi, người khiêng, kẻ xốc, chờ cán bộ vào mở cửa dắt díu nhau lên trạm xá rồi lại dắt díu về... lục đục, rên rẩm hết đêm
5 giờ sáng hôm sau, một vòng quay nghiệt ngã, ô trọc  lại bắt  đầu...
Sacramento  tháng 12-2011
TKTT
*Theo quy định của trại, tất cả các tù kỷ luật đều phải tháo giải rút khỏi chiếc quần đang mặc(do trại phát) vì sợ tù qúa phẫn uất mà dùng giải rút thắt cổ tự tử
*Nhà mét: Thực chất là nhà vệ sinh, gồm một bể nước và hố xí 2 ngăn, vì diện tích chỉ vẻn vẹn một mét nên tù gọi chệch là nhà mét cho dễ nhớ, đỡ mất vệ sinh
* Mỗi chi bạc là 100 tờ nhỏ và mỏng dính, rất dễ bay và hay bị rách, nên người tù phải san ra sẵn trước khi phết, để khỏi bị rối, bị rách
* Nghị định 31CP của thủ tướng  Võ văn Kiệt: “Mỗi quận  huyện được phép xây mới một nhà tù hoặc trại tạm giam”, nâng tổng số các nhà tù và trại tạm giam lớn nhỏ ở Việt Nam lên  gần 900 cái. Trong khi các trường Đại học, cao đẳng, dạy nghề các loại là 372 trường.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Hội Bảo Vệ Dân Oan © 2011 | Designed by RumahDijual, in collaboration with Online Casino, Uncharted 3 and MW3 Forum