Nguyễn Thị Huần: Nạn nhân điển hình của nhà nước ‘cho dân’ và ‘vì dân’

nguyenthihuan

Ghi chép: Trần Khải Thanh Thủy

Sinh năm 1955 - tuổi Quý Mùi, tại làng Vàng, xã Hoàng Ðan, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Ai cũng nghĩ số chị nhiều đào hoa, may mắn... Ngờ đâu, rơi vào địa ngục xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chị hầu như không có lấy một ngày hạnh phúc.

 

clip_image001

Mắt bà Nguyễn Thị Huần bị CA đánh sưng húp.

Mười bảy tuổi, theo tiếng gọi của đất nước, quê hương, chị gia nhập thanh niên xung phong, làm cầu cho thành phố Việt Trì, một thành phố nổi tiếng với bài hát: “Việt Trì, thành phố ngã ba sông”. Sau khi khánh thành cầu, do yêu cầu của quân đội, chị được biên chế vào tổng cục hậu cần, chuyên nấu cơm chăm sóc sức khỏe cho anh em chiến sĩ. Gần 7 năm trời trong quân ngũ, chị luôn luôn nhận được sự ngợi khen vì sự xốc vác, nhanh nhẹn, “đảm việc nước, đoảng việc nhà” của mình.

 

Giữa năm 1978, đang lúi húi nấu cơm, chị lên cơn choáng do tình trạng cơ thể bị suy nhược trầm trọng, vì đói ăn, làm việc quá sức, môi trường lao động lại quá chật chội, ngột ngạt vì hơi than, ám khí... Một mình chị phải vần, phải xoay cả nồi quân dụng cho cả tiểu đoàn vài trăm người ăn... Hết ngày này sang ngày khác, nên ngã chúi xuống, đập mặt vào thành bệ cứng của bếp than, gây chấn thương nặng. Cả bốn chiếc răng cùng nói lời tạm biệt với miệng, xương hàm dưới bị gãy, dính chặt vào khớp cằm, làm chị bị mất vĩnh viễn 31 % sức khỏe.

 

Ra khỏi bệnh viện, cơ thể vẫn trong tình trạng suy nhược nặng nề, động nhai là buốt hàm, đau nhói tận đỉnh đầu... Từ chỗ mất ăn, mất ngủ kéo dài nên đã kéo theo căn bệnh suy nhược thần kinh của chị. Chính vì thế, theo biên bản giám định y khoa của hội đồng giám định quân khu 2, chị buộc phải rời khỏi quân đội, với tấm bằng khen là “huân chương chiến sĩ vẻ vang” (cấp bậc hạ sĩ, chức vụ tiểu đội trưởng).

 

Chuyển ngành về trại chăn nuôi của tỉnh, chị tiếp tục cống hiến, hy sinh không kể ngày đêm bằng bản tính hay lam hay làm của mình. Khi đó, Thủ Tướng Nguyễn Văn Linh kêu gọi các ngành nghề tinh giản biên chế, theo đúng khẩu hiệu: “Sửa sai kinh tế, gỡ bế ngoại giao, giảm mạnh quốc phòng, ngành ngành cùng giảm...” Cho rằng chị không đủ điều kiện để đảm nhiệm công việc, giám đốc trại đã tìm mọi cách chèn ép, buộc chị phải ra khỏi biên chế của trại theo chế độ 176... Tài sản duy nhất chị được phép mang theo khi đó chỉ là một con lợn giống, thay cho số tiền được hưởng sau 18 năm trời cống hiến (1972-1990).

 

Trở về giữa đời thường, trong khi sự nghiệp dang dở, cuộc hôn nhân đổ vỡ. Một mình chị cùng hai con nhỏ, đứa lên ba, đứa lên một, phải trằn mình ra với nắng gió, cỗi cằn nơi mảnh đất trung du, nửa núi, nửa đồng bằng, chó ăn đá gà ăn sỏi, để làm thuê cuốc mướn, lần hồi buôn bán, lấy tiền nuôi con.

 

Tài sản duy nhất là nếp nhà vuông vắn nơi lề đường của chị, cuối cùng cũng lọt vào mắt của những kẻ ác tâm, bóc lột, mang danh chính quyền xã...

 

Khi ấy là đầu năm 1991, giữa lúc chị đi làm vắng, cả nhà chỉ có hai đứa nhỏ quấn lấy nhau như chuột tha mèo... Bất ngờ một người đàn ông lù lù xuất hiện. Không nói, không rằng, lẳng lặng quẳng hết đồ đạc, giường phản của cả nhà chị ra sân. Trong khi hai anh em lăn xả vào giữ đồ, xin xỏ, chờ mẹ về nói chuyện, thì ông ta nằng nặc đuổi hai con chị ra khỏi nhà, mặc hai đứa trẻ hết khóc thét vì hoảng loạn lại nép vào nhau đầy sợ hãi.

 

Khi chị trở về, nhìn hai con run rẩy trong cơn gió lạnh nơi đầu ngõ, nghe các con tranh nhau kể lại mọi chuyện, cả 3 mẹ con tiến vào nhà của mình để chất vấn, căn vặn thì lão chủ đề, mặt ám khói, hai con mắt ti hí như hai vết dao xẻ, tay khư khư tờ giấy xác nhận có đóng dấu đỏ lòe của xã, lạnh lùng tuyên bố:

 

- Nhà này, xã đã chính thức bán cho tôi rồi, chồng tiền đầy đủ, có chữ ký đàng hoàng, kèm con dấu của chủ tịch xã xác nhận... Không tin lên ủy ban nhân dân xã mà hỏi, còn thắc mắc gì thì cứ lên đấy gặp lãnh đạo xã trình bày, kêu kiện...

 

Không đôi co nổi với kẻ cướp đường, cùng cả chính quyền xã sau lưng, ba mẹ con chị đành lốc nhốc bế nhau tìm về trung ương khiếu kiện. Năm năm, mười năm, và bây giờ là mười tám năm trôi qua... (Khi đó cháu Hương mới lên 6) vậy mà vẫn là cảnh buồn muôn thuở:

 

Con kiến mà kiện củ khoai

Kiện đi kiện lại đất đai cửa nhà

Bây giờ kiến sắp lên bà

Củ khoai hà thối... vẫn là công toi

Bao nhiêu lần bị công an bắt tống lên xe thùng bịt bùng ở vườn hoa, giam trong trại cai nghiện Lộc Hà (xã Liên Hà, huyện Ðông Anh, ngoại thành Hà Nội) nơi tập kết của các đối tượng lang thang, nghiện hút và gái mại dâm, trước khi chuyển đi các trung tâm giáo dưỡng, phục hồi nhân phẩm trong cả nước, cách trung tâm thành phố Hà Nội gần 40 km.

 

58 năm tuổi đời, 23 năm tuổi kiện, cũng là dăm bảy lần chị được vinh dự đưa vào trung tâm lưu trú này do công an thành phố Hà Nội quản lý, được sống chung với các đối tượng nghiện hút, đa phần là người ngoại tỉnh lang thang hoặc là người Hà Nội có địa chỉ cụ thể nhưng lại thường xuyên chọn công viên, ghế đá làm nơi trú ngụ, như hầu hết những người dân oan mất nhà, mất đất. Và liên tục bị công an cất vó mỗi năm hai lần vào các dịp lễ... ớn: Ba mươi thứ tang (30 Tháng Tư) và ngày 2 Tháng Chín (Tổ quốc khánh kiệt)...

 

Từ một công nhân quốc phòng, một tổ trưởng chăn nuôi, cả đời không mảy may biết đến mãi dâm, nghiện hút, giờ được hòa đồng với các đối tượng đặc biệt của xã hội, toàn “hai trong một (nghiện hút, mãi dâm)” và “ba trong một” (nghiện hút, mãi dâm, HIV), vốn có bề dày “thành tích” về tiền án, tiền sự, ngang hoặc nhiều hơn tiền mặt, cùng mọi thủ đoạn trốn tránh thành thần - dấu chìa khóa vào ngực rồi ôm bụng quằn quại, giả vờ bị nuốt “đinh” vào bụng. Nuốt vỏ kẹo cao su có hình răng cưa để giả vờ là nuốt phải dao lam, hòng thoát khỏi sự phát hiện của máy móc hiện đại, khỏi phải đi cai nghiện dài ngày.

 

Bao nhiêu gái gọi cao cấp, chân dài trong các vụ “Lake side, Hoa Ðô hay New Century”, cũng như các đối tượng mại dâm phiêu bạt từ các nhà hàng ra đứng đường vì nhan sắc tàn phai do nghiện ngập cùng đủ thứ bệnh hoa liễu trong người, cùng tụ tập về đây, trà trộn với dân oan Việt Nam mỗi đợt tổ quốc khánh kiệt hoặc... quốc hận, tang về.

 

Chưa đủ, cuộc đời đi kiện của chị còn bị biệt giam 7 tháng ở Hỏa Lò (Hà Nội), Suối Hai (Vĩnh Phú) với tội danh “Gây rối trật tự công cộng”. Ðược các nữ quản giáo cho phép đám đầu gấu đánh đập thường xuyên, đến mức sưng cuống mật; gãy xương má, dập mu bàn chân, khiến thần kinh bị thương tổn nặng nề. Tất cả chỉ vì tội: “Không chấp hành quy định của đảng và nhà nước, liên tiếp tụ tập đông người để theo đuổi khiếu kiện, trong khi đã được Tổng Bí Thư Nông Ðức Mạnh đích thân giải quyết, cấp cho cả một mảnh đất cùng 36.5 triệu đồng Việt Nam để mua vật liệu làm nhà...”

 

Thực chất cái gọi là giải quyết theo chỉ đạo từ trung ương, của chính quyền xã chỉ là một mảnh đất hoang hóa (sâu 2.8 mét, dài 8 mét) giữa đồng không mông quạnh, cách xa đường quốc lộ 3 km - nơi vốn là hố bom còn sót lại của thời kỳ chiến tranh, giặc giã, không ai lui tới, với số tiền chỉ đủ để mua cây que dựng lều ở tạm. Nên chị đã trả lại ủy ban xã, cương quyết theo kiện tới cùng.

 

Bù lại là cả chuỗi ngày cay đắng, bị chính quyền địa phương quy thành tội chống đảng, nổi loạn, thành phần bất hảo trong xã hội, bị công an phường Quan Thánh, Thụy Khuê, Tây Hồ, công an thành phố Hà Nội, liên tục tạo áp lực, gây khó dễ... Lúc bắt bớ đánh đập khi chị đội đơn đến nhà quan lớn cùng bà con dân oan, lúc canh đường, đón lối trong những ngày “nhạy cảm” như họp quốc hội, đại hội đảng, hoặc xúc đi vô tăm tích cả chục ngày khi có hội nghị APEC, hoặc các phải đoàn quốc tế đến thăm... Cuộc sống hàng ngày của ba mẹ con bị quấy rối từng ngày. Hai cháu Chuyên và Hương, một buổi đi học, một buổi phụ giúp mẹ bán hàng, ngày nào cũng chỉ được ngủ 6 tiếng, thời gian còn lại phải lao vào kiếm sống.

 

clip_image002clip_image003

Bụng bà Huần bị đánh với nhiều thương tích

Bao nhiêu lần bị công an đuổi, chạy cuống cuồng vẫn không kịp, bị hất tung cả mẹt hoa quả và thuốc lá xuống hồ. Dù vào buổi trưa mùa Hạ, trời nóng như thiêu như đốt, hay giữa sáng sớm mùa Ðông, rét cắt da cắt thịt... Cả ba mẹ con cùng phải nhảy xuống hồ vớt lên từng thứ để thu hồi lại vốn.

 

Sống trong cảnh bị cái ác, cái xấu, đe dọa, dồn đuổi, trù dập từng ngày, bản thân chị đã yếu, mệt, càng kiệt quệ hơn. Hai cháu Chuyên, Hương, tuy ở độ tuổi 23, 25, mùa xuân của cuộc đời, mà cọc còi, cỗi cằn, thiếu chất, yếm khí không sao phát triển bình thường như mọi trẻ em có điều kiện khác trong xã hội.

 

Cũng bao nhiêu lần vào dịp giáp Tết, công an tỉnh cho xe ô tô xuống vườn hoa Mai Xuân Thưởng xúc chị về thả tận xóm Vàng, nơi chị sinh trưởng và đăng ký hộ khẩu thường trú, mà thả hôm trước, hôm sau chị lại lặn lội trở về... Ba mẹ con mừng mừng, tủi tủi sau cuộc truy quét của giặc đảng, lại xúm vào với nhau, lúc đi kiện, khi bán hàng, hy vọng vào một ngày mai không còn độc tài, độc đảng, cuộc sống sẽ mở ra...

 

Nào ngờ sáng 27 Tháng Năm, 2009, giữa lúc chị đang thơ thẩn cùng bà con dân oan tại số 1 Mai Xuân Thưởng, nơi không hề treo biển “cấm để xe máy” công an phường Thụy Khuê lại ngang nhiên giữ xe máy mang biển kiểm soát 33k5-2886 của chị, không hề có lý do, cũng không lập biên bản, chỉ cậy vũ lực, cậy quyền thế nhảy vào trấn cướp. Hòng làm chị triệt tiêu ý chí đấu tranh, cũng như không còn phương tiện giúp bà con dân oan khiếu kiện nữa.

 

Ngày 4 Tháng Sáu, 2009, lúc ấy, chị đang ngồi ăn sáng cùng bà con tại “vườn hoa dân oan”, ông Nguyễn Văn Diễn - đại diện cho công an phường Thụy Khuê - chủ động ra gặp chị, và bảo “mời chị về phường giải quyết về chuyện xe máy.”

 

Tưởng công an đã biết sai, bắt giữ xe máy của chị vô cớ nên trả lại, ai ngờ, chỉ là một vụ lừa đảo để bắt người trắng trợn...

 

Vừa đặt chân vào đồn công an phường, nắm xôi còn chưa kịp trôi xuống dạ dày, chị đã bị cả lũ công an xúm vào cởi chiếc áo có sơn chữ đỏ đang mặc trên người, đồng thời lục lọi hành lý như tội phạm.

 

Suốt 28 tiếng đồng hồ giam giữ, chị bị ép lăn tay và bị bấm huyệt, rồi tước đoạt quyền tự do bằng cách lập biên bản, lấy nhân chứng, giấy tờ giả để khởi tố tạm giam về tội “gây rối trật tự công cộng”?

 

Trong quá trình hỏi cung, Vũ Thế Anh - nhân viên phòng điều tra tổng hợp - công an thành phố Hà Nội, luôn miệng tố cáo chị về hai việc: mặc áo ghi chữ kêu cứu các tổ chức nhân quyền làm ảnh hưởng tới an ninh xã hội, là bêu xấu đảng và nhà nước.

 

Ðồng thời theo đơn thư tố cáo của một công dân tên Xuân, chị là đồng đảng, đồ đệ của Tổng Thư Ký Ðảng Dân Chủ Hoàng Minh Chính, được ông Chính trang bị phương tiện làm việc từ vi tính, máy in đến máy ảnh, cũng như tiền bạc. Khi ông Chính mất, chị là người giữ các cương lĩnh, điều lệ cùng các tài liệu quan trọng của đảng Dân Chủ. Chính vì thế kẻ bất nhân, đáng tuổi con chị, vì muốn lập công, lĩnh thưởng, lên chức cao, trọng quyền đã khóa tay chị treo lên cửa sổ đánh hộc máu miệng, buộc chị khai nhận mọi lỗi lầm của mình trong thời gian dài làm việc cho đảng Dân Chủ, dưới sự chỉ đạo của tên “phản động” Hoàng Minh Chính.

 

Vì không thể cầm bút viết thư trong tình trạng bị giam cầm, tra tấn, chị đã nhờ một cháu cùng bị giam giữ viết hộ và gửi lén ra ngoài cho con,

 

“Mẹ ở trong này ốm lắm, không ăn được cơm. Vũ Thế Anh lại thụ lý hồ sơ của mẹ. Nó ép cung, khóa tay treo lên cửa sổ, đánh mẹ đập đầu vào tường, mẹ nôn ra máu, nó sợ quá cho Bác Sĩ Lan ở bệnh viện Bạch Mai vào khám. Sau đó thì cho mẹ vào Hỏa Lò.”

 

Con mua thuốc kháng sinh, thuốc đau thận, tuần hoàn não, thuốc trợ tim gửi cho mẹ, cùng một kg thịt nạc băm rồi rang lên, kèm mỳ, phở, gói. Gửi thêm cho mẹ hai áo dây, hai quần đùi (hai bộ rời, hai bộ liền).

 

Trước đó, ngay trong ngày bị bắt, bị tra tấn, chị lặng lẽ viết di chúc gửi các tổ chức nhân quyền quốc tế, xin cho hai con được tị nạn chính trị vì sợ mình sẽ bị thủ tiêu:

 

Kính gửi: Ủy Ban Nhân Quyền Quốc Tế

Kính gửi: Liên Hiệp Quốc

Ðồng kính gửi tòa án quốc tế và các quý vị trong và ngoài nước

Hãy lớn tiếng kêu gọi cho công dân Việt Nam!

Hiện nay Việt Nam đàn áp dân oan chúng tôi quá... Tôi là Nguyễn Thị Huần, dân oan Vĩnh Phúc, đang bị công an giam giữ tại phường Thụy Khuê. 18 năm mẹ con tôi không nơi nương tựa, bị chính quyền địa phương đập phá nhà, lúc vắng mặt, cướp tài sản, lấy đất bán cho chủ đề. Nay đã lôi kéo thành một dây lớn, hành hạ bắt giam vô tội và đánh đập quá đáng. Hôm nay tôi đang ngồi, lực lượng công an lại bắt, tôi không sống được nữa, vì bị họ đánh, tôi sẽ chết dần, chết mòn.

Nay tôi viết di chúc này gửi tới quý ông của các chính phủ: Hãy rủ lòng thương, cho hai con tôi đi đâu sống lưu vong chính trị, để thoát khỏi cảnh màn trời chiếu đất, không phải xã hội đen đàn áp và hành hạ. Sang đất nước lãnh thổ của quý ông, hai con tôi sẽ đóng góp một phần nhỏ bé và có ích cho lãnh thổ của quý ông. Còn tôi bị pháp luật Việt Nam nó thủ tiêu.

Xin quý ông cấp cứu.

Nguyễn Thị Huần

Thời gian đầu bị đưa vào Hỏa Lò, trong tình trạng bị dồn nén về tâm lý, tra tấn về thể xác, oan hơn oan Thị Kính, chị kiên quyết tuyệt thực.

 

Ngày thứ 18, chị tỉnh dậy tại trạm y tế của trại giam Hỏa Lò, Hà Nội. Tóc bạc trắng, người gầy yếu. Mọi thực phẩm như bánh mì, hoa quả, đồ cứng đều không ăn được, chỉ có thể nuốt mỗi ngày một bịch sữa 250 ml sống qua ngày... Nhưng chị cũng nguôi ngoai khi biết bản di chúc và mọi thông tin về việc chị bị bắt đã chuyển được ra ngoài, qua những người tù tự giác, đầy lòng cảm thông với một người phụ nữ quả cảm mà bất hạnh như chị.

 

Sau khi bị giam giữ vô cớ hơn 9 tháng, chị bị xử vào tháng 12-2009, mức án 15 tháng, với hai tội danh “gây rối trật tự công cộng” (vì mặc áo mang nội dung kêu cứu các tổ chức nhân quyền quốc tế khi không được phép của nhà cầm quyền Việt Nam) và “Bí mật tham gia đảng phái phản động” (nhằm lật đổ đảng Cộng Sản Việt Nam).

Từ đó đến nay đã hơn 4 năm trôi qua, chị ra tù, tiếp tục con đường tranh đấu, giúp dân oan, đòi quyền lợi cho mình, cho họ nhưng mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ

Xin các tổ chức yêu nước và nhân quyền trên thế giới hãy cùng lên tiếng với chị - một bệnh binh, cũng là một nạn nhân điển hình của chế độ đàn áp, dã man, tàn bạo của đảng Cộng Sản Việt Nam.

 

Sacramento Jan 1-2014

TKTT

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Hội Bảo Vệ Dân Oan © 2011 | Designed by RumahDijual, in collaboration with Online Casino, Uncharted 3 and MW3 Forum